Không có đứa trẻ nào sinh ra đã “bất hiếu”, nhưng cách chúng lớn lên, hành xử và hình thành nhân cách lại chịu ảnh hưởng rất lớn từ môi trường sống, cách nuôi dạy và sự quan sát những người xung quanh. Nhiều bậc cha mẹ thường lạc quan nghĩ rằng: “Trẻ con mà, rồi lớn sẽ hiểu”, nhưng có những hành vi nếu không được uốn nắn từ sớm thì rất có thể sẽ phát triển thành thói quen xấu, thậm chí là nền móng cho sự vô ơn và bất hiếu sau này.
Dưới đây là 4 dấu hiệu sớm cho thấy con bạn đang có nguy cơ rơi vào nhóm này và đó là hồi chuông cảnh tỉnh không nên bỏ qua.
1. Luôn cho mình là trung tâm, không biết nghĩ cho người khác
Khi một đứa trẻ thường xuyên đòi hỏi, cáu gắt khi không được đáp ứng, hoặc không biết nói lời cảm ơn với những điều cha mẹ làm cho mình, đó không đơn thuần là tính cách “bướng bỉnh” hay “chưa hiểu chuyện”. Đó là biểu hiện của việc thiếu khả năng đồng cảm, không biết đặt mình vào vị trí người khác, kể cả người sinh thành.
Những đứa trẻ lớn lên trong môi trường được nuông chiều quá mức, luôn được ưu tiên mọi thứ mà không phải nỗ lực, rất dễ hình thành tư duy mình xứng đáng được nhận mà không bao giờ đặt câu hỏi bố mẹ đã phải đánh đổi những gì. Lâu dần, sự vô tư này sẽ biến thành vô tâm, rồi thành vô ơn.

Khi 1 đứa trẻ thường xuyên đòi hỏi vô lý, đó là biểu hiện của việc thiếu khả năng đồng cảm. (Ảnh minh họa)
2. Hay nói lời hỗn hào hoặc có xu hướng “bật lại” người lớn
Không phải cứ phản biện là sai, nhưng cách phản ứng, thái độ khi giao tiếp với cha mẹ lại thể hiện rất rõ sự tôn trọng hay coi thường. Nếu con bạn thường xuyên cãi lời với giọng điệu mỉa mai, giận dữ, nói trống không, hay thậm chí có hành vi quát nạt, đập đồ mỗi khi không vừa ý… đó là dấu hiệu đáng báo động.
Một đứa trẻ được dạy dỗ tốt sẽ biết rằng “không đồng ý” không đồng nghĩa với việc “không lễ phép”. Ngược lại, nếu trẻ thấy chuyện to tiếng, lấn át cha mẹ là điều bình thường, chúng có thể lớn lên với suy nghĩ rằng người lớn không đáng được tôn trọng kể cả khi đó là người đã hy sinh cả đời vì mình.
3. Không biết trân trọng những gì cha mẹ làm, thậm chí coi đó là trách nhiệm hiển nhiên
Nhiều bậc phụ huynh từng giật mình khi nghe con nói: “Nuôi con là việc của bố mẹ mà”, “Có vậy mà cũng kể lể”… Những câu nói tưởng như vô hại này thực chất phản ánh một tư duy rất nguy hiểm khi phủ nhận công lao và nỗ lực của đấng sinh thành. Trẻ càng lớn mà càng xem sự hy sinh của cha mẹ là điều hiển nhiên, càng ít khi thể hiện lòng biết ơn hoặc quan tâm, thì khả năng cao khi trưởng thành, chúng cũng sẽ không coi trọng mối quan hệ gia đình. Và khi đó, chữ “hiếu” chỉ còn là lý thuyết.
4. Không có trách nhiệm với bản thân, thường xuyên đổ lỗi cho cha mẹ
Một đứa trẻ nếu quen đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho cha mẹ mỗi khi gặp thất bại chẳng hạn như: “Tại mẹ bắt con học cái này”, “Tại nhà mình nghèo nên con mới khổ”… đang từng bước hình thành tư duy né tránh trách nhiệm và thiếu tự lập. Lớn lên, những người như vậy thường sống ích kỷ, không quan tâm đến cảm xúc hay hoàn cảnh của cha mẹ, thậm chí còn quay lại oán trách, dằn vặt người đã nuôi nấng mình.
Đây là dấu hiệu cực kỳ nguy hiểm, cho thấy mầm mống bất hiếu đã ăn sâu từ cách trẻ nhìn nhận vấn đề và vị trí của cha mẹ trong cuộc sống của chúng.

Một đứa trẻ nếu quen đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho cha mẹ mỗi khi gặp thất bại đang từng bước hình thành tư duy né tránh trách nhiệm và thiếu tự lập. (Ảnh minh họa)
“Hiếu” không tự nhiên mà có. Nó là kết quả của một quá trình giáo dục, rèn giũa, và quan trọng nhất là sự đồng hành tỉnh táo của cha mẹ trong những năm tháng đầu đời của con. Nếu phát hiện sớm những biểu hiện lệch chuẩn, cha mẹ có thể giúp con điều chỉnh hành vi, học cách thấu cảm và biết ơn. Đừng để đến lúc con trưởng thành mới nhận ra rằng, điều quý giá nhất – sự gắn kết gia đình đã bị chính sự thờ ơ và thiếu dạy dỗ làm rạn vỡ từ lâu.