Tại quán cà phê ở khu dân cư Ang Mo Kio (Singapore), Glenn Poh trở lại bàn với hai ly nước – một ly nóng và một ly có đá. Mẹ anh, bà Tan Sow Meng, chọn ngay ly nước có đá. “Cả đời mẹ chưa từng uống đồ lạnh vậy mà giờ đây bà luôn chọn món có đá. Mẹ giống như trở lại là một đứa trẻ vậy”, anh Poh nói về người mẹ 74 tuổi mắc Alzheimer của mình.
Là con một, anh Poh không thể san sẻ gánh nặng chăm sóc mẹ già. “Việc cần làm thì phải làm thôi. Tôi được dạy như vậy”, anh nói. Anh từng chứng kiến mẹ tận tụy chăm sóc cha sau cơn đột quỵ và giờ anh muốn làm điều tương tự cho bà.
Tại Singapore, nơi dân số già hóa nhanh và lòng hiếu thảo được đề cao, nhiều người trưởng thành đang đảm nhận vai trò chăm sóc cha mẹ già. Khi cha mẹ lâm bệnh, cuộc sống của con cái có thể bị ảnh hưởng, nhất là khi họ không có anh chị em hay người giúp việc hỗ trợ.
Dữ liệu cho thấy, vào năm 2023, tại Singapore, có ít nhất 128.800 người là con một có mẹ trên 50 tuổi – gấp 3 lần so với con số 39.800 vào năm 2003. Mặc dù con một vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ trong dân số của “đảo quốc sư tử”, các nhà nghiên cứu cảnh báo họ phải đối mặt với áp lực rất lớn.
Khác với những gia đình đông con, con một thường phải đảm nhận toàn bộ trách nhiệm chăm sóc cha mẹ già. Điều này dễ dẫn đến căng thẳng kéo dài, kiệt sức, cũng như các thách thức về sức khỏe khác.
Đối diện với thay đổi và thực tế
Anh Poh kể về cuộc sống hàng ngày của mình theo trình tự, lần lượt chuyển từ việc này sang việc kia. Người đàn ông 44 tuổi này liệt kê các việc cần làm thành danh sách – một cách giúp anh cảm thấy mình vẫn kiểm soát được giữa những thay đổi cảm xúc thất thường của mẹ, người mắc Alzheimer.

Glenn Poh và mẹ anh, Tan Sow Meng, đi bộ từ trung tâm chăm sóc người cao tuổi đến trung tâm thương mại AMK Hub
Tất nhiên, cuộc sống của Poh không thiếu những khoảnh khắc thử thách. Tuần trước, thay vì đi tắm như thường ngày, mẹ anh lại lo dọn rác và thắp đèn bàn thờ. “Tôi đã lớn tiếng, giục mẹ đi tắm. Mẹ nghe lời nhưng khi bà ra khỏi phòng tắm, tôi xin lỗi thì bà không nhớ. Tôi hối hận vì đã nổi nóng. Mẹ không thể nhớ, nên tôi cũng chẳng thể sửa sai”, người con nói trong nước mắt.
“Cảm giác đó thật tệ. Mình làm điều sai mà không có cách nào để bù đắp”. Poh thừa nhận những tình huống như vậy thường xảy ra, nhất là trong giai đoạn đầu khi anh còn đặt kỳ vọng về bệnh tình của mẹ sẽ được cải thiện và cảm thấy bất lực vì không thể làm gì hơn.
Câu chuyện của Giám đốc nhân sự Gail Lim cũng tương tự như Poh. Trong kỳ nghỉ tháng 12 năm 2023, mẹ cô lên cơn đau tim nặng, khiến bà không thể đi lại hay sử dụng phòng tắm nếu không có người giúp.
Dù gia đình có người giúp việc hỗ trợ, Lim, 33 tuổi, vẫn lo lắng người đó có thể kiệt sức và nghỉ việc. “Tôi trở nên căng thẳng và cứ ép mẹ tập luyện nhiều hơn để bình phục nhanh. Mãi đến khi mẹ nói rằng mẹ muốn khỏe lại theo nhịp độ của mình, tôi mới nhận ra mình đang áp đặt suy nghĩ và thời gian lên bà”, cô kể.
Mẹ Lim đã ngoài 60 tuổi, vẫn đang trong quá trình tập vật lý trị liệu, nhưng rất khó để bà phục hồi hoàn toàn. Cô thừa nhận, bản thân mình từng ở trong trạng thái tinh thần không tốt. Cô lo lắng khi thấy mẹ, người từng năng động và hay giao lưu, giờ sống phụ thuộc và ít tiếp xúc với bên ngoài.
“Phần khó khăn nhất là chứng kiến mẹ mình mất đi sự độc lập. Về mặt cảm xúc và tâm lý, điều đó thật sự rất khó chấp nhận. Có những lúc tôi cứ muốn khóc”, Lim chia sẻ. Đã gần 5 tháng cô không gặp gỡ bạn bè, chưa kể hôn nhân của cô cũng bị ảnh hưởng.
Dù công ty đã tạo điều kiện để Lim có chế độ làm việc linh hoạt, cô vẫn không thể nhập tâm làm việc và công việc cũng không còn là ưu tiên hàng đầu. Lim thường xuyên mất tập trung vì lo cho mẹ ở nhà gặp chuyện.

Tranh minh họa
Phải đến khi chuyên gia khuyên cô nên dành một khoảng thời gian cố định mỗi ngày để trò chuyện với mẹ, cô mới dần cân bằng được thời gian và cảm xúc. “Nếu mẹ vẫn khỏe mạnh, có lẽ tôi sẽ làm việc tốt hơn. Nhưng khi hoàn cảnh thay đổi, bạn cũng phải sắp xếp lại ưu tiên và với tôi, đó là chăm sóc mẹ”, cô nói.
Gác lại sự nghiệp để chăm cha mẹ
Kỳ vọng về việc con cái chăm sóc cha mẹ già đã ăn sâu vào văn hóa Á Đông. Quyết định đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão có thể bị xem là “bất hiếu”. Dù quan niệm này đang dần thay đổi, nhiều người vẫn coi việc chăm sóc cha mẹ là nghĩa vụ bắt buộc chứ không phải lựa chọn.
Khi thiếu hỗ trợ từ gia đình, người chăm sóc dễ rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi và thất vọng, đặc biệt đối với những người là con một, không có ai để san sẻ trách nhiệm.
Ảnh hưởng đến sự nghiệp là điều không thể tránh khỏi. Cô Michelle Tan, 44 tuổi, Quản lý sản phẩm toàn cầu tại một công ty thiết bị y tế, đã phải hủy 2 chuyến công tác trong năm ngoái vì mẹ cô phải nhập viện.
Mẹ cô, bà Mary Tong, 78 tuổi, mắc nhiều bệnh mãn tính như cao huyết áp, tiểu đường, cholesterol cao, viêm xương khớp. “Nó không nghiêm trọng như ung thư nhưng gây tổn thương về mặt cảm xúc. Nếu tôi nói chuyện này không khiến tôi căng thẳng là tôi đang nói dối”, Tan chia sẻ.
Là một người độc lập, cô cho biết, từng muốn ra nước ngoài làm việc nhưng đành gác lại mong muốn đó vì không có ai thay cô chăm sóc mẹ, nhất là sau khi cha qua đời.
Tìm kiếm hỗ trợ ở dịch vụ chăm sóc
Tại Trung tâm chăm sóc người cao tuổi TouchPoint ở Ang Mo Kio, bà Tan, mẹ anh Poh, bắt đầu lo lắng vì con chưa đến đón. Hàng tuần, bà Tan đều đến đây để tham gia “Happy Exercise”, buổi tập thể dục kết hợp vận động thể chất và rèn luyện nhận thức.
Trong thời gian này, anh Poh lo việc mua sắm, giặt giũ và dọn dẹp. Khi đến đón mẹ, anh giúp xếp ghế và cảm ơn từng nhân viên đã chăm sóc bà. Poh thường đưa bà Tan đi dạo nhưng vì mẹ anh giờ đây dễ lo lắng khi đến nơi lạ, họ chỉ đi trung tâm thương mại gần nhà.
Tay anh luôn nắm lấy tay mẹ, trên vai là chiếc ba lô và túi đeo chứa những đồ dùng thiết yếu như thuốc men, áo gió hay quần áo để thay. Dây đeo ba lô có nhiều móc treo đồ ăn hoặc đồ tạp hóa để tay anh có thể giữ mẹ hoặc đỡ bà nếu bà vấp ngã.
Việc tìm kiếm sự hỗ trợ từ cộng đồng rất quan trọng với người chăm sóc đơn độc như Poh. Anh đã đăng ký cho mẹ tham gia các hoạt động hàng ngày, từ tập thể dục đến chơi cờ, giúp bà bận rộn cả thể chất lẫn tinh thần.
Tương tự, Robin Teo, 46 tuổi, cũng phải nhờ đến dịch vụ chăm sóc ban ngày và điều dưỡng tại nhà cho cha mẹ. Cha anh bị nhiều bệnh mãn tính và gãy xương hông; mẹ mắc chứng sa sút trí tuệ và phải dùng xe lăn để di chuyển.
Hai ông bà được dịch vụ chăm sóc đón đưa đến trung tâm hàng ngày, giúp Robin an tâm đi làm. Cuối tuần, người giúp việc sẽ đến tắm rửa cho mẹ anh. Có lúc người giúp việc không đến, Teo phải tự tắm cho mẹ.
Chuyện chăm sóc lại càng khó hơn khi mẹ anh không thể ghi nhớ và không muốn hợp tác. Nhưng anh tự nhủ: “Không sao cả, mẹ đã từng chăm sóc tôi, giờ tôi chăm sóc lại bà”.
Không muốn trở thành gánh nặng cho con
Một số người già ở Singapore đang lên kế hoạch để đứa con duy nhất của mình không phải đảm nhiệm công việc chăm sóc cha mẹ. Mary Lim, người từng làm Giám đốc tiếp thị của BMW, đã chuẩn bị tài chính đầy đủ sau khi nghỉ hưu nhằm tránh tạo gánh nặng cho cô con gái duy nhất, Yvonne, 46 tuổi, hiện là Giám đốc điều hành một câu lạc bộ phong cách sống tư nhân.
Dù đã 73 tuổi, bà Mary vẫn rất năng động. Bà thường xuyên gặp gỡ bạn bè, làm tình nguyện viên tại nhà thờ, tham gia lớp pilates và chăm sóc 2 cháu gái: Lauren 12 tuổi và Nicole 10 tuổi, sống ngay gần đó.
“Nếu tôi ốm, tất nhiên tôi hy vọng con gái sẽ chăm sóc tôi. Nhưng tôi cũng không ngại chuyện vào viện dưỡng lão”, bà nói khi ngồi trên ghế sofa trong căn hộ của con gái. “Hai mẹ con tôi đã nói chuyện thẳng thắn về điều này. Tôi nghĩ việc có tài chính đủ đầy sẽ giúp tôi giảm căng thẳng khi tôi mất khả năng tự chăm sóc bản thân”, bà chia sẻ.
Nhưng không phải ai cũng có điều kiện và sự chuẩn bị như bà Mary. Poh và mẹ đang trải những ngày khó khăn, nhưng cách mà anh đối diện thực tế đã thay đổi. Poh luôn nhớ rõ khoảnh khắc cuộc đời mình thay đổi mãi mãi: Chiều ngày 25/10/2021.
Lúc đó, anh bị cảm lạnh nên không thể đưa mẹ đi kiểm tra chứng sa sút trí tuệ và được nhận kết quả qua điện thoại.
“Bác sĩ nói nhiều nhưng tôi không thể hiểu hết. Suốt ngày hôm đó, tôi cố gắng tỏ ra bình thường. Tối đến, tôi tìm kiếm thông tin trên Google và biết căn bệnh mà mẹ tôi đang mắc có rất ít hy vọng”, anh kể. Kể từ đó, Poh chấp nhận tình trạng của mẹ mình.
Poh cũng biết sức khỏe của mình bị ảnh hưởng do áp lực chăm sóc nhưng anh phải tiếp tục. Anh dự định để mẹ sống ở nhà cho đến khi không thể chăm sóc được nữa. Anh không muốn nghĩ đến chuyện mẹ phải chuyển đi nơi khác.
“Tôi sợ rằng nếu một ngày tôi không ở gần mẹ, mẹ sẽ quên tôi hoặc nghĩ rằng tôi bỏ rơi bà. Đó là cơn ác mộng lớn nhất của tôi”, Poh nói.
Nguồn: Straits Times