HomeLàm Cha Mẹ90% cha mẹ không nhận ra: Không phải đòn roi, chính 5...

90% cha mẹ không nhận ra: Không phải đòn roi, chính 5 câu nói này làm con đau lòng nhất

- Advertisement -spot_img


Tác giả giáo dục Từ Khả Phu (Trung Quốc) – người thường xuyên tham gia các buổi tọa đàm về tâm lý trẻ em từng chia sẻ về việc nhiều cha mẹ hay than phiền con cái bướng bỉnh, không nghe lời. Phân tích đủ lý lẽ không nghe. Đe dọa hay dụ dỗ cũng không nghe. Dọa nạt, quát mắng càng không có tác dụng. Ngay cả khi cha mẹ tức giận hét toáng lên, con trẻ khóc lóc ầm ĩ thì kết quả cũng chẳng đi đến đâu.

Ông nói, bản thân rất thấu hiểu áp lực mà các bậc phụ huynh ngày nay đang phải đối mặt. Nhưng trong cuốn sách Ngôn Ngữ Giao Tiếp Không Bạo Lực Giữa Cha Mẹ Và Con Cái, ông vẫn luôn nhấn mạnh một điều: “Thấu hiểu cảm xúc của trẻ là yếu tố cốt lõi trong giao tiếp”.

Nếu mỗi lần cha mẹ mở miệng chỉ toàn là trách móc và phủ định, trẻ sẽ rất khó tiếp nhận. Đặc biệt là 5 câu sau đây, dù có căng thẳng đến đâu, phụ huynh cũng nên hạn chế buột miệng thốt ra.

1. “Bạn A cũng thế à?”

Từng có một cư dân mạng chia sẻ câu chuyện gia đình khiến nhiều người vừa bật cười, vừa suy ngẫm. Hôm đó, con gái của người này đi học về, hào hứng nói muốn đăng ký học parkour – một môn thể thao mạo hiểm giúp rèn luyện sự dẻo dai và lòng dũng cảm. Người mẹ nghe xong thì mừng thầm, nghĩ rằng con đang muốn vượt qua giới hạn bản thân.

Nhưng người bố lại lập tức hỏi theo phản xạ: “Bạn Cô Cô cũng học à?”.

Cô Cô là lớp trưởng, học giỏi, luôn được xem là “con nhà người ta” điển hình. Gần như mỗi lần con gái đề cập chuyện gì mới, người bố đều phản ứng kiểu: “Cô Cô thì sao?”.

Nghe mãi thành quen, cô bé bắt đầu mất kiên nhẫn.

Lần này, con bé phản ứng mạnh: “Bạn ấy là bạn ấy, con là con. Con không quan tâm bạn ấy làm gì. Bạn ấy không học parkour thì con cũng không được học à? Bạn ấy làm bác sĩ thì con cũng phải làm bác sĩ? Bạn ấy đi du học thì con cũng phải theo sao?”.

Người bố bị con “phản đòn” đến mức chỉ còn biết im lặng nhìn vợ cầu cứu. Còn người mẹ dù không lên tiếng lại âm thầm đứng về phía con, chị nghĩ tại sao con mình lại cứ phải giống y hệt “con nhà người ta”?

Mỗi đứa trẻ đều có tính cách, năng lực và hoàn cảnh riêng. Nếu mọi lựa chọn đều dựa vào việc người khác làm thế nào thì chẳng khác gì biến các con thành những bản sao giống hệt nhau. Xã hội tương lai càng đề cao cá tính và khả năng sáng tạo. Nếu cứ ép con theo khuôn mẫu thì kết quả thường chỉ là sự mờ nhạt và lệch hướng.

Xem thêm  Xem phim Sex Education, tôi thích câu này quá đỗi: Cha mẹ hãy lấy giấy bút ra chép để luôn thân thiết, gắn bó với con cái!

Việc cha mẹ nên làm không phải là hỏi xem con người khác làm gì, mà là cùng con phân tích thiệt hơn, đưa ra lời khuyên đúng lúc. Tôn trọng con được là chính mình, mới là cách giáo dục đúng đắn nhất.

2. “Đừng cãi, bố/mẹ làm vậy cũng chỉ vì con thôi”

Một blogger nổi tiếng chia sẻ câu chuyện giữa anh và con trai. Con trai anh thường xuyên than rằng bố quá kiểm soát. Nhưng ông bố thì nghĩ: “Tất cả là vì con, muốn tốt cho con mà thôi”.

Khi con muốn học luật để thực hiện giấc mơ trở thành thẩm phán, người cha lại cho rằng học tài chính sẽ an toàn hơn và kiếm được nhiều tiền. Vì vậy, ông đã âm thầm sửa nguyện vọng của con. Ngày giấy báo nhập học về, con trai sốc nặng nhưng đành ngậm ngùi đi học.

Bốn năm sau, khi tốt nghiệp, ông bố lại thu xếp để con làm trong ngân hàng. Lần này, con nhất quyết từ chối, kiên định thi công chức ngành tòa án. Cậu còn tuyên bố: “Cho dù bố có bắt con vào ngân hàng, con cũng sẽ lập tức xin nghỉ việc”.

Kết quả, mọi sắp xếp của người cha đều đổ bể.

Ai cũng hiểu cho tình yêu thương và sự lo xa của người cha ấy, nhưng đồng thời cũng rất đồng cảm với đứa con. Một số cha mẹ kiểm soát con không vì ghét bỏ, mà vì nỗi sợ sâu bên trong: sợ con thất bại, sợ con vấp ngã, sợ không thể che chở con mãi mãi.

Nhưng tình thương xuất phát từ nỗi sợ, dễ dẫn đến sự áp đặt và tổn thương. Những bước ngoặt lớn trong đời như chọn ngành, chọn nghề nên là quyền lựa chọn của chính đứa trẻ. Nếu không, con sẽ chỉ làm theo để vừa lòng cha mẹ, chứ trong lòng đầy tổn thương và oán giận.

Tin con, trao quyền lựa chọn và cả quyền chịu trách nhiệm, đó mới là sự yêu thương đúng đắn.

3. “Nuôi con thế này thì đúng là uổng công”

Có người từng hỏi: “Khi nào bạn thấy thất vọng nhất với cha mẹ mình?”.

Một người trả lời: “Khi tôi tìm kiếm sự giúp đỡ, họ bảo tôi vô dụng; Khi tôi không đạt kỳ vọng, họ bảo tôi là đồ bỏ đi; Rồi lôi lại chuyện cũ, mắng nhiếc một hồi, kết luận bằng câu: ‘Nuôi mày thế này thì đúng là công cốc'”.

Bất kể tuổi tác, ai nghe câu đó cũng khó lòng bình tĩnh.

Xem thêm  Thành công phụ thuộc vào 20% IQ, 80% còn lại nằm ở ĐIỀU này – Cha mẹ nắm bắt để nuôi dạy con đúng cách

Tuy chỉ là câu nói trong lúc tức giận, nhưng với trẻ, đó là nhát dao cắm sâu vào lòng tự trọng.

Nhà tâm lý học người Đan Mạch Jesper Juul từng nói: “Cảm giác xấu hổ bắt nguồn từ việc nghĩ rằng mình có vấn đề và không xứng đáng được yêu thương”.

Khi không được cha mẹ công nhận, lòng tự trọng và sự tự tin của trẻ dễ bị bào mòn. Lâu dần, các em lớn lên với cảm giác mình không xứng đáng có hạnh phúc.

Trong một chương trình truyền hình, có cô bé bật khóc và hét vào mặt mẹ: “Mẹ nói nuôi con là uổng phí, vậy thì con biến mất khỏi thế giới này đi là được!”.

Người mẹ hoảng hốt, phân bua rằng đó là cách “thúc đẩy con tiến lên”.

Nhưng thúc đẩy không phải là dùng dao sắc để xẻ lòng con.

Lời nói có sức mạnh vô hình vừa có thể nâng đỡ, vừa có thể làm tổn thương sâu sắc. Khi muốn nhắc nhở, ta có thể dùng những lời góp ý chứ không nên dùng những câu chạm vào lòng tự trọng của con.

4. “Chuyện nhỏ như thế mà cũng buồn à?”

Không ít cha mẹ than rằng trẻ con bây giờ “yếu đuối”, “quá nhạy cảm”: Thi trượt, sụp đổ; Cãi nhau với bạn, khóc; Bị mắng, im lặng cả ngày. Và vì vậy, nhiều người chọn cách “lờ đi cảm xúc”, nghĩ rằng càng ít an ủi, con càng mạnh mẽ.

Nhưng nhà tâm lý học Freud từng cảnh báo: “Cảm xúc không được giải tỏa sẽ không biến mất, nó chỉ bị chôn sâu và một ngày nào đó, sẽ bùng nổ theo cách tồi tệ hơn”.

Trẻ con nổi nóng, bực dọc hay khóc lóc không phải vì yếu đuối mà vì chúng đang vật lộn với một vấn đề mà chúng chưa biết cách giải quyết. Nếu ta chỉ bắt con “nín đi”, không để con được giãi bày thì tất cả uất ức ấy sẽ tích tụ lại, âm ỉ và rồi bùng nổ.

Tại sao có trẻ bị mắng một câu là bỏ nhà đi? Tại sao tuổi dậy thì dễ có hành vi nổi loạn? Tại sao con vẫn sống bình thường, nhưng lại chìm trong trầm cảm?

Tất cả đều bắt nguồn từ việc cảm xúc bị kìm nén quá lâu.

Xem thêm  Về già mới nhận ra, 4 hành động này của cha mẹ sẽ khiến con cái mệt mỏi vô cùng

Có người nói: “Vấn đề trong mắt bạn, có thể là cách giải quyết duy nhất trong mắt con”.

Nếu con thu mình, có thể đó là cách con tránh tổn thương. Nếu con khóc lóc, có thể đó là cách con xả áp lực.

Vậy nên, hãy học cách lắng nghe bằng đôi tai và nhìn bằng con mắt của một đứa trẻ. Đó mới là sự đồng hành đúng nghĩa của người làm cha mẹ.

5. “Con không thể cố thêm chút nữa à?”

Nhiều đứa trẻ buộc phải lớn lên trong áp lực. Từ kỳ thi giữa kỳ đến thi tốt nghiệp, từ đại học đến thi tuyển công chức… đứa trẻ nào cũng phải nỗ lực không ngừng.

Lớn lên trong môi trường đó, giờ đây khi làm cha mẹ, chúng ta lại quay sang hỏi con: “Con không thể cố gắng hơn chút nữa à?”.

Nhưng là người từng trải, chúng ta hiểu nỗ lực không phải lúc nào cũng đổi lại kết quả. Không phải cứ học thêm là thi đỗ trường top. Không phải cứ chăm chỉ là có được công việc tốt. Đằng sau sự thành công là cả một chuỗi điều kiện từ tài nguyên, kế hoạch đến định hướng và cả một chút may mắn.

Nếu cứ dạy con rằng “chỉ cần cố gắng là sẽ được” thì khi thất bại, con dễ rơi vào vòng xoáy tự trách và suy sụp. Nỗ lực cần đúng thời điểm và cũng cần học cách dừng lại. Khi biết điều chỉnh mục tiêu và nhìn xa hơn, con mới có sức mạnh dài lâu để đi tiếp.

Kết

Marshall Rosenberg – nhà sáng lập của thuyết “Giao tiếp không bạo lực” từng nói: “Ngôn ngữ giống như những viên đạn năng lượng nhỏ, bắn thẳng vào những vùng sâu thẳm vô hình trong tâm hồn con trẻ”.

Chúng ta đều mong muốn dành cho con môi trường giáo dục tốt, một cuộc sống đủ đầy và sự phát triển khỏe mạnh. Nhưng nếu không cẩn trọng trong lời nói thì vô tình, ta lại trở thành người khiến con tổn thương nhiều nhất.

Lời nói của cha mẹ là “phong thủy” cả đời của con cái. Một câu nói chứa yêu thương có thể là ngọn gió đẩy con đi xa. Một lời nặng nề lại có thể là viên đá khiến con vấp ngã mãi không gượng dậy được. Vì thế, hãy tập “nói tử tế”, “nói chậm lại” và “nói đúng cách”. Đó là cách những người làm cha mẹ như chúng ta vun đắp một tương lai tốt đẹp cho cả con và chính mình.

Theo Aboluowang



Theo Afamily

- Advertisement -spot_img
Stay Connected
16,985FansLike
2,458FollowersFollow
61,453SubscribersSubscribe
Tin mới
- Advertisement -spot_img
Bài viết liên quan
- Advertisement -spot_img