Tôi có một cô con gái tuổi teen. Ngoan ngoãn, học không quá giỏi nhưng chăm chỉ và đặc biệt… cực kỳ mê truyện tranh Nhật. Cháu có thể ngồi cả buổi đọc manga, cười một mình, rồi hí hoáy vẽ vời, học tiếng Nhật qua phim hoạt hình. Tôi không cấm, nhưng thú thật là tôi chưa bao giờ hiểu được cái đam mê đó.
Cho tới một ngày, con gái bắt đầu mặc đồ cosplay. Ban đầu chỉ là những chiếc áo sơ mi có ren hay váy xòe lạ mắt, về sau là cả bộ trang phục mô phỏng nhân vật. Tôi thấy kỳ cục, phản cảm, đặc biệt là khi con mặc chúng tới những buổi gặp mặt bạn bè.
Chúng tôi bắt đầu cãi nhau. Tôi hay nói con “lập dị”, “quái gở”, “không ai chơi cùng đâu”. Chồng tôi thì chỉ lắc đầu: “Em để con sống đúng sở thích đi, có hại gì đâu”. Nhưng tôi không chịu được. Đỉnh điểm là một ngày, tôi tức giận vứt bộ đồ con may cả tháng, bộ trang phục nhân vật trong Inuyasha vào thùng rác.

Eric khiến tôi nhận ra lỗi sai
Con gái đã gào lên, khóc và hét:
“Chỉ có mẹ thấy con kỳ quặc thôi! Con không thiếu bạn. Các bạn chơi với con vì con tử tế, không ai để tâm con mặc gì hết!”.
Tôi sững người. Không phải vì con hét lên mà vì lần đầu tiên, tôi cảm thấy mình vừa đập nát một điều gì đó rất mong manh nhưng quan trọng với con.
Vài hôm sau, tôi vô tình xem phim Sex Education trên Netflix, một bộ phim đứng top, thấy nhiều người nói hay nên tôi tò mò.
Tới một đoạn, cậu học sinh Eric, một cậu bé cá tính, thường trang điểm và mặc đồ rực rỡ nói chuyện với bố mình. Người cha rất lo lắng vì sợ con bị tổn thương, bị bắt nạt khi sống “khác biệt”. Nhưng Eric chỉ đáp: “Nhưng dù sao con cũng sẽ bị tổn thương thôi. Vậy chẳng phải tốt hơn nếu con sống đúng là chính mình sao?”.
Tôi lặng người.
Tôi nghĩ về con gái tôi, cô bé say mê thế giới manga, thích cosplay không phải để “gây chú ý”, mà đơn giản là vì yêu thích. Và rồi tôi nghĩ: Có phải chính mình với danh nghĩa “muốn tốt cho con” – mới là người đang khiến con bị tổn thương nhiều nhất không?
Tối đó, tôi ngồi lặng cả tiếng trước cửa phòng con mà không dám gõ. Đêm hôm sau, tôi âm thầm lên mạng tìm mua bộ đồ nhân vật Kikiyu, món mà tôi đã ném vào thùng rác hôm nào. Tôi chẳng biết có chuộc lỗi được không, nhưng ít nhất, tôi muốn con thấy: mẹ đang cố hiểu.
Tôi cũng nhận ra một bài học lớn trong việc dạy con: Làm cha mẹ không phải là bắt con sống theo những gì mình thấy “bình thường”, mà là học cách tôn trọng sự khác biệt và lắng nghe thế giới riêng của con.
Con có thể không giống tôi, cũng không giống “kỳ vọng của xã hội”, nhưng nếu con sống tử tế, chân thành, thì không có gì phải xấu hổ cả.
Chúng ta thường hay dạy con cách sống, nhưng quên rằng con cũng đang dạy lại mình cách bao dung, thấu hiểu, và học yêu những điều mình chưa từng hiểu nổi.