Sinh ra và lớn lên ở một vùng cao của tỉnh Thái Nguyên, chị Ma Thị Linh (SN 1988) người dân tộc Tày từng tin rằng chuyện sinh con là “trời cho”. Nhờ sự kiên trì học hỏi, chị không chỉ có cuộc sống hạnh phúc mà còn giúp nhiều chị em nâng cao kiến thức, làm chủ cuộc sống của mình.
Sau lần sinh con đầu tiên đầy vất vả, chị Ma Thị Linh bắt đầu đặt câu hỏi: Mình có quyền lựa chọn không? Và hành trình từ bị động đến chủ động trong việc tránh thai, kế hoạch hóa gia đình của chị Linh không chỉ giúp chính chị khỏe mạnh hơn, mà còn mở ra cuộc sống mới, hạnh phúc và bình đẳng hơn trong gia đình.
Những ngày đầu làm mẹ – nỗi vất vả của sự thiếu hiểu biết
Chị Linh sinh con đầu lòng năm 24 tuổi. Khi ấy, kiến thức về làm mẹ của chị gần như bằng không. “Ở quê tôi, ai cũng nghĩ con gái thì lớn lên sẽ lấy chồng, sinh con. Chuyện làm mẹ gần như là điều hiển nhiên, không ai nói với mình rằng phải chuẩn bị cho điều đó về thể chất, tinh thần, hay thậm chí chỉ là kiến thức cơ bản về chăm sóc trẻ sơ sinh” chị nhớ lại.
Chồng đi làm cả ngày, một mình chị xoay xở với đứa con nhỏ hay quấy khóc, cơ thể sau sinh yếu ớt, thiếu ngủ triền miên. “Tôi nhiều lúc tự hỏi, không biết mình đang làm mẹ, hay đang bị cuốn vào một guồng quay mà mình không được quyền chọn lựa,” chị kể, giọng trầm lại.
Và rồi, khi sức khỏe giảm sút rõ rệt, kinh tế gia đình còn khó khăn, chị bắt đầu nghĩ: Nếu cứ tiếp tục sinh đẻ mà không có kế hoạch, không chỉ chị mà cả con cái và gia đình sẽ cùng chịu ảnh hưởng.
Từ suy nghĩ ấy, chị bắt đầu tìm hiểu về các biện pháp tránh thai. Ban đầu, chị khuyên chồng dùng bao cao su. Nhưng anh từ chối thẳng, bảo rằng: “Ôi, cô sao vậy, dùng bao cao su không thoải mái, mất tự nhiên. Với lại, chuyện con cái là do ông trời định, tránh làm gì”. Chị Linh kể.
Khi nghe những lời ấy của chồng, chị Linh vừa buồn, vừa thất vọng và cả tủi thân. Chị hiểu anh không có ý làm tổn thương mình, chỉ là anh cũng thiếu thông tin, thiếu sự chia sẻ đúng mực về sức khỏe sinh sản. Nhưng bản thân chị lại rất lo, chị không thể để mọi thứ “tùy duyên” trong khi chính cơ thể mình đang ngày càng mệt mỏi, sức khỏe suy giảm.
Chị không tranh cãi với chồng. Chị chọn cách nói chuyện nhiều hơn, nhẹ nhàng hơn. Chị kể cho anh nghe về những chị trong làng sinh 4-5 con, sức khỏe kiệt quệ, kinh tế gia đình lao đao, con thì không ai chăm đến nơi đến chốn.
Chị Linh chia sẻ: “Tôi cũng nói thẳng với chồng, em không ngại sinh thêm con, nhưng em cần thời gian để phục hồi, cần có đủ sức khỏe, đủ tinh thần và cần có đủ điều kiện để nuôi con tốt”.
“Có lẽ vì thấy tôi nói thật lòng, không áp đặt, không to tiếng, nên dần dần anh cũng thay đổi. Rồi anh chủ động nói với tôi: “Nếu em thấy như vậy là tốt cho em, cho con, thì mình cứ dùng”.
Từ chỗ phản đối, anh bắt đầu tham gia cùng vợ các buổi truyền thông sức khỏe sinh sản do Hội LHPN địa phương tổ chức. Nhưng điều quan trọng nhất là chị Linh không còn cảm giác phải giấu giếm hay “xin phép” để bảo vệ sức khỏe chính mình nữa.
Từ khi có sự đồng thuận và ủng hộ của chồng, chị Linh cảm thấy mình được tiếp thêm sức mạnh. Cả hai vợ chồng cùng nhau lựa chọn phương pháp tránh thai phù hợp theo từng giai đoạn. Khi chị thấy không còn phù hợp với đặt vòng, hai vợ chồng bàn bạc và chuyển sang phương pháp dùng bao cao su, lần này do chính chồng chị chủ động mang về từ trạm y tế.
“Giờ đây, chúng tôi không còn ngại ngùng khi nói chuyện kế hoạch hóa gia đình. Chúng tôi xem đó là trách nhiệm chung, là cách thể hiện sự tôn trọng nhau,” chị nói, đôi mắt ánh lên niềm vui.

Chị Linh và các con
Sự thay đổi của chị Linh không dừng lại trong gia đình. Chị trở thành người tích cực tham gia các hoạt động truyền thông của Hội LHPN địa phương, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cá nhân với chị em trong thôn xóm. “Khi tôi kể câu chuyện của mình, nhiều người ngạc nhiên. Nhưng rồi họ cũng bắt đầu đến trạm y tế, hỏi về biện pháp tránh thai, hỏi về sức khỏe sau sinh” – chị Linh chia sẻ.
Chính nhờ những nhân tố như chị Linh, nhiều cặp vợ chồng người dân tộc thiểu số tại địa phương đã thay đổi nhận thức, chuyển từ “trời cho thì nhận” sang “chủ động sinh đủ, sinh khỏe”. Cả nam giới và phụ nữ đều được khuyến khích tham gia các buổi truyền thông, từ đó nâng cao những kiến thức trong chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Một cuộc sống mới chủ động và an yên
Hiện tại, cuộc sống của gia đình chị Linh ổn định và nhẹ nhàng hơn. Hai đứa con khỏe mạnh, ngoan ngoãn, học hành đầy đủ. Vợ chồng chị mở một cửa hàng nhỏ bán hàng tạp hoá tại nhà, thu nhập tuy không cao nhưng đều đặn. Quan trọng nhất, họ đã học được cách lắng nghe, chia sẻ và cùng nhau hoạch định tương lai một cách chủ động.
“Trước đây, tôi từng sống theo cái gọi là “số phận”. Giờ đây, tôi làm mẹ với sự hiểu biết và tôi tin, mọi người phụ nữ dù ở đâu cũng đều xứng đáng được lựa chọn như thế. Và các bà mẹ nói chung và các bà mẹ dân tộc thiểu sổ nói riêng không để thiếu thông tin để biến mình thành bà mẹ thụ động” – chị Linh nói.
“Tôi nghĩ rằng điều đầu tiên là phụ nữ hãy phải yêu thương bản thân mình và chủ động làm điều đó, đừng chờ đợi lúc nào hay ai đó giúp thì mới làm được. Khi mình yêu thương bản thân mình sẽ chăm sóc tốt sức khỏe. Và mình có quyền chủ động lựa chọn thời điểm sinh con khi sẵn sàng. Không phải sinh nhiều con mới là tốt, mà nên sinh con trong tình yêu thương, trong điều kiện đầy đủ về sức khỏe và tinh thần mới là món quà cho cả mẹ, con và cho gia đình. Làm mẹ không phải là hy sinh tất cả, mà là biết giữ lại một phần mình để sống, để vui, và để đồng hành cùng con lâu dài” – chị Linh chia sẻ.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Kim Thoa – Trưởng khoa Phụ sản, Trung tâm y tế Khu vực Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ chia sẻ:
Hiện nay, phụ nữ ở vùng sâu vùng xa, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số đang gặp khá nhiều rào cản trong việc tiếp cận các biện pháp tránh thai an toàn. Trước hết là rào cản về thông tin. Nhiều chị em chưa được tiếp cận đầy đủ kiến thức về sức khỏe sinh sản dẫn đến hiểu biết còn hạn chế, thậm chí nhầm lẫn giữa tránh thai với việc không thể sinh con nữa.

Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Thoa
Rào cản thứ hai là khoảng cách địa lý và điều kiện kinh tế. Không phải ai cũng có thể đi hàng chục cây số để đến trạm y tế, nhất là khi phương tiện di chuyển còn thiếu thốn, đường sá ở một số nơi còn khó khăn. Thêm vào đó, một số phong tục tập quán truyền thống hoặc sự thiếu đồng thuận từ chồng, gia đình cũng khiến phụ nữ ngại sử dụng biện pháp tránh thai.
“Tại cơ sở y tế – nơi tôi công tác, tỷ lệ phụ nữ chủ động đến khám và tư vấn trước khi mang thai vẫn còn tương đối thấp, đặc biệt là ở nhóm phụ nữ trẻ hoặc phụ nữ ở vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số. Phần lớn các chị em chỉ tìm đến bác sĩ khi đã mang thai, thậm chí là mang thai ngoài ý muốn. Lý do có thể là do tâm lý ngại ngùng, sợ người khác dị nghị, hoặc đơn giản là họ không biết rằng có thể đến cơ sở y tế để tư vấn từ trước. Ngoài ra, nhiều phụ nữ còn quan niệm rằng chuyện sinh con là thuận theo tự nhiên, không cần tìm hiểu kỹ, không nghĩ rằng việc chuẩn bị từ sớm lại có thể giúp giảm nguy cơ cho cả mẹ và bé”- bác sĩ Thoa chia sẻ.
Trong quá trình khám và tư vấn, bác sĩ sản khoa gặp khá nhiều trường hợp cho rằng dùng biện pháp tránh thai, đặc biệt là thuốc tránh thai sẽ gây vô sinh. Đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm. Thực tế, khi dừng thuốc, khả năng sinh sản của phụ nữ sẽ trở lại như bình thường sau một thời gian ngắn.
Ngoài ra, một số người nghĩ rằng chỉ cần tránh thai khi còn trẻ, còn đã kết hôn hoặc đã có con rồi thì không cần nữa. Thậm chí, có người còn tin rằng cho con bú là một biện pháp tránh thai tuyệt đối. Điều này chỉ đúng trong một vài tháng đầu nếu cho con bú hoàn toàn và đúng kỹ thuật.
Những hiểu lầm này nếu không được giải thích kỹ lưỡng sẽ dễ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, như mang thai ngoài ý muốn hoặc phá thai không an toàn.