HomeLàm Cha MẹLàm mẹ đơn thân nhưng không đơn độc

Làm mẹ đơn thân nhưng không đơn độc

- Advertisement -spot_img


Ở một vùng quê miền núi của tỉnh Thanh Hóa, nơi người ta vẫn xem hôn nhân là điều kiện tất yếu để sinh con, có một người phụ nữ đã dám đi ngược lại khuôn mẫu ấy. Chị đã làm mẹ bằng tình yêu vô điều kiện với con và can đảm đối diện với dư luận xung quanh.

Sinh năm 1988, là người dân tộc Mường, chị Bùi Thị Ni lớn lên giữa mây núi, những con đường đất đỏ và khát vọng học hành cháy bỏng. “Hồi ấy, ước mơ của tôi giản dị lắm: Học xong, làm cô giáo, lấy chồng, sinh con, sống bình dị như bao người phụ nữ miền núi khác” – chị Ni kể.

Năm 2007, chị là một trong số rất ít người ở bản đỗ đại học chính quy, khăn gói ra Hà Nội học với niềm hãnh diện không giấu được của cả họ hàng. “Bố tôi mất sớm. Mẹ tôi là nông dân, lam lũ nuôi năm đứa con vẫn luôn động viên tôi phải học đến nơi đến chốn. Tôi đi học là mang theo giấc mơ của cả gia đình”.

Làm mẹ đơn thân nhưng không đơn độc- Ảnh 1.

Chị Ni hài lòng với cuộc sống hiện tại khi có con bên cạnh và làm chủ kinh tế

Tốt nghiệp đại học, chị Ni chọn ở lại Hà Nội lập nghiệp, trở thành cô giáo mầm non tại một trường tư thục. Mỗi ngày, chị dạy gần hai chục đứa trẻ, tối lại đi làm gia sư để tăng thu nhập. Cuộc sống bận rộn nhưng bình yên. Thỉnh thoảng, chị cũng yêu, cũng hy vọng, nhưng rồi lại rơi vào cảm giác không thể đồng điệu. Chị Ni chia sẻ: “Có lẽ tôi mạnh mẽ quá, tự lập quá nên trong những mối quan hệ ấy, tôi không tìm được người có thể phù hợp thật sự”.

Rồi đến một ngày, chị Ni đưa ra quyết định khiến nhiều người bất ngờ: Làm mẹ đơn thân. Năm đó, chị bước sang tuổi 35.

“Tôi đã chờ đủ lâu để mong một ai đó đủ yêu thương và thấu hiểu. Nhưng tôi hiểu, nếu mình không làm chủ cuộc đời, sẽ chẳng ai làm hộ mình. Tôi không muốn cưới xin kiểu hình thức, tôi chỉ muốn một đứa con của riêng mình” – chị Ni xúc động chia sẻ.

Xem thêm  Trẻ thường thân với bà nội hay bà ngoại hơn? Đây là câu trả lời từ nghiên cứu khoa học

Người đàn ông bước qua cuộc đời chị khi ấy không phải là cuộc phiêu lưu. Họ từng có thời gian bên nhau, chia sẻ. Nhưng chị hiểu rất rõ: “Tôi muốn có con, nhưng không muốn ràng buộc. Và nếu điều đó khiến người khác cho là ích kỷ, thì tôi xin nhận. Nhưng tôi biết: Tôi đang chủ động lựa chọn làm mẹ bằng tình yêu và lý trí của mình”.

Những ngày tháng mang thai, chị giấu tất cả mọi người. Mẹ chị ở quê – nơi mà chuyện “không chồng mà chửa” vẫn bị xem là điều gì đó “đáng xấu hổ”. Bạn bè cũng không biết. Chị âm thầm sống, đi làm, đi khám, tự lo từng thứ một cho hành trình làm mẹ. Đến tháng thứ 5, khi bụng bắt đầu lộ rõ, chị mới chọn chia sẻ với vài người bạn thân nhất.

“May mắn là tôi có ba người bạn thân như chị em ruột. Họ không phán xét, không hỏi nhiều, chỉ lặng lẽ ở bên. Một trong số họ là người đưa tôi đi sinh con, ký giấy cam kết mổ, ngồi ngoài phòng hồi sức đợi từ sáng sớm. Đó là gia đình mà tôi có được bằng tình bạn”.

Nhưng không phải không có những giây phút hoang mang. “Tôi đã từng nằm ôm bụng khóc vì sợ: Liệu con tôi có giận tôi khi không có bố? Liệu tôi có đủ khả năng để vừa làm cha vừa làm mẹ? Nhưng tuyệt nhiên, chưa khi nào tôi nghĩ đến việc từ bỏ. Vì con là sự tỉnh thức, là món quà mà tôi chọn bằng tất cả sự tỉnh táo” – chị Ni xúc động chia sẻ.

Ngày chị sinh con, người bạn thân ký giấy mổ, mẹ chị được báo sau. “Lúc tôi gọi điện về, mẹ khóc, nhưng không quát, không trách. Mẹ bảo: “Thôi thì con làm mẹ, mẹ làm bà. Vậy là đủ”.

Sự mạnh mẽ của chị không đến từ những phát ngôn to tát, mà từ chính những việc nhỏ nhất: Tự mình đưa con đi khám, tự mình tính toán từng hộp sữa, từng gói bỉm, không vay mượn, không dựa dẫm. “Tôi vui vì chưa từng trốn tránh lựa chọn của mình. Tôi không nói dối về con. Tôi muốn con lớn lên trong sự thật, nhưng không tổn thương”.

Xem thêm  Cha mẹ EQ cao rất HẠN CHẾ đưa con đến 4 nơi này

Rồi một ngày, chị quyết định đưa con về quê. Ở vùng quê bình yên ấy, điều gì khác biệt cũng dễ bị soi xét. Có người hỏi thẳng: “Cha nó đâu?” Có người khuyên: “Để con lại mà đi lấy chồng”. Nhưng chị Ni không cãi, không thanh minh. “Tôi chỉ cố sống tử tế, nuôi con ngoan. Dần dần, người ta cũng thôi bàn tán” – chị Ni kể.

Người hàng xóm từng nói lời khó nghe, giờ thỉnh thoảng lại sang bế cháu, còn khen: “Nó ngoan lắm, giống mẹ”. Có lẽ chính sự im lặng mà vững vàng của chị khiến người ta phải nhìn lại: Một người phụ nữ không chồng vẫn có thể làm mẹ tử tế, đàng hoàng.

Giờ đây con trai chị đã gần 2 tuổi, bi bô gọi “Mẹ ơi!” mỗi chiều chị đi làm về. Mẹ chị – người phụ nữ tần tảo năm nào giờ vẫn luôn âm thầm đồng hành cùng chị, chăm lo cho cháu, nấu cháo, giặt tã, ru cháu ngủ.

Chị Ni tâm sự: “Giờ tôi hiểu, làm mẹ không có nghĩa là phải có một người đàn ông bên cạnh. Làm mẹ là hành trình của yêu thương, của trách nhiệm. Và tôi biết: Tôi đủ yêu thương, đủ trách nhiệm để làm trọn vai trò đó”.

Hỏi chị điều gì quan trọng nhất để một người mẹ đơn thân vượt qua nghịch cảnh, chị trả lời không chút do dự: Tin vào chính mình. Giữ lòng tự trọng. Và đừng bao giờ để ai định nghĩa bạn chỉ qua hai chữ “đơn thân”.

Chia sẻ về những dự định sắp tới, chị Ni cho biết chị đã có những dự định rất cụ thể để cải thiện kinh tế và nuôi con tốt hơn. Trước hết, chị tiếp tục công việc hiện tại là giáo viên mầm non, đồng thời dạy thêm vào buổi tối, trong đó có cả trẻ tự kỷ, tăng động, chậm nói. Chị cũng dự định sẽ học lên để nâng cao kiến thức, kỹ năng và tích lũy kinh nghiệm. Tất cả nhằm hiện thực hóa giấc mơ mở một ngôi trường mầm non tại chính quê hương mình – nơi chị mong muốn mang đến một môi trường học tập tốt hơn cho trẻ em, đồng thời vững vàng hơn trên hành trình làm mẹ.

Xem thêm  Xem phim Sex Education, tôi nghĩ ngay đến câu con gái bảo mẹ: Không ngờ có ngày tôi lại được con dạy cho bài học đắt giá!

Chị Bùi Thị Ni, bằng sự kiên cường và lựa chọn đầy bản lĩnh, đã trở thành ngọn lửa âm ỉ sưởi ấm niềm tin. Và một lời nhắn gửi sâu sắc đến những người phụ nữ đang lặng lẽ chiến đấu giữa đời thường, rằng: Chỉ cần tin vào chính mình, chỉ cần không buông tay, bạn đã là người hùng của chính mình. Không ai chọn nghịch cảnh. Nhưng cách người ta bước qua sẽ quyết định họ là ai.

Chị Ni, một người mẹ dân tộc thiểu số đã không để nghịch cảnh dìm mình xuống. Chị không chờ người nâng lên, không mong chờ phép màu. Chị chỉ kiên nhẫn từng ngày, học, làm, nuôi con và lan toả cảm hứng sống tích cực đến những người xung quanh.

Và ở bên chị, không ai nói chị “làm mẹ một mình” nữa. Vì chị đang có cả một cộng đồng phía sau, đang có một người con vô cùng tự hào về mẹ, đang có một trái tim… không hề đơn độc.

– Theo quy định tại khoản 9 Điều 1 Nghị định 39/2015/NĐ/CP, phụ nữ là người dân tộc thiểu số làm mẹ đơn thân thuộc đối tượng được Nhà nước hỗ trợ khi cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn, sinh một hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh.

Căn cứ theo điều 2 Nghị định 39/2015/NĐ-CP, mức hỗ trợ đối với phụ nữ là dân tộc thiểu số sinh con khi chưa kết hôn là 2.000.000VNĐ/người. Thời điểm nhận hỗ trợ được tính từ tháng đầu sau khi sinh con.

– Theo Nghị định 75/2023/NĐ-CP, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 – 2020 mà các xã này không còn trong danh sách giai đoạn 2021 – 2025 theo Quyết định 861/QĐ-TTg năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ, sẽ được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế.



Nguồn Phụ Nữ Việt Nam

- Advertisement -spot_img
Stay Connected
16,985FansLike
2,458FollowersFollow
61,453SubscribersSubscribe
Tin mới
- Advertisement -spot_img
Bài viết liên quan
- Advertisement -spot_img