Trên những con phố ở thành thị, chúng ta thường bắt gặp những đứa trẻ ăn xin với quần áo rách rưới, dáng vẻ đáng thương. Chúng ngồi hoặc quỳ trên cầu vượt hay bên ngoài ga tàu điện ngầm, trước mặt là một chiếc bát sắt cũ kỹ hoặc hộp nhựa, bên trong lác đác vài đồng xu, nhìn vào khiến người ta không khỏi động lòng thương.
Nhưng đã bao giờ bạn tự hỏi, những đứa trẻ ấy đến từ đâu? Chúng thật sự tự nguyện đi ăn xin chăng?
Người mẹ mất con: Bi kịch bắt đầu từ sự bất cẩn
Viên Phương (Trung Quốc) từng lên Thâm Quyến làm công. Vì mẹ chồng đã lớn tuổi, không thể giúp chăm con nên họ đành mang đứa con trai nhỏ theo cùng. Nhưng cuộc sống thực tế lại không hề dễ dàng như tưởng tượng. Thu nhập hai vợ chồng eo hẹp, họ chỉ đủ khả năng thuê trọ trong khu dân cư đông đúc và giá rẻ.
Viên Phương ở nhà chăm con và tranh thủ làm thêm việc tay chân để phụ thêm chi tiêu, còn chồng thì đi làm trong nhà máy. Để tiết kiệm, họ sống ở khu vực có an ninh hỗn loạn, môi trường phức tạp. Cậu con trai nhỏ chỉ có thể chơi một mình trong sân hoặc ngoài đường, và chính kiểu “nuôi thả” này đã gieo mầm cho bi kịch.
Một ngày nọ, khi đang chơi bên ngoài, cậu bé – mới hơn ba tuổi – bỗng mất tích. Hàng xóm kể lại có người lạ dụ cậu bé bằng kẹo. Viên Phương và chồng lập tức báo công an, khắp nơi tìm kiếm con nhưng vô vọng.
Bi kịch nối tiếp bi kịch, khi đó Viên Phương đang mang thai lần hai, nhưng vì quá đau buồn nên bị sảy thai. Quan hệ vợ chồng cũng từ đó rạn nứt và đổ vỡ. Cuối cùng, họ chọn mỗi người một ngả.
Sau khi con mất tích, Viên Phương rời khỏi Thâm Quyến – nơi chất chứa quá nhiều nỗi đau – và đến Quảng Châu bắt đầu cuộc sống mới. Vừa làm việc mưu sinh, cô vẫn tiếp tục tìm kiếm tin tức của con.
Dù hiểu rằng con đã mất tích nhiều năm, hy vọng là rất mong manh, nhưng với bản năng làm mẹ, cô chưa từng thực sự từ bỏ.
Mỗi lần nhìn thấy trẻ ăn xin trên đường, cô đều nhìn kỹ, có khi còn cố tình lại gần, cho vài đồng để được nhìn mặt đứa trẻ rõ hơn chỉ mong một lần tìm được dấu hiệu quen thuộc.
Vì qua các khóa học và tin tức, cô biết rằng rất nhiều trẻ em ăn xin thực chất là nạn nhân của nạn buôn người, bị ép ra đường xin tiền. Tiền xin được không phải của các em, mà bị nhóm người đứng sau kiểm soát. Có khi còn bị cố tình làm tổn thương để dễ gây thương cảm hơn.
Gặp lại con giữa dòng người, nhưng không dám nhận
Một ngày nọ, khi đi ngang qua một cây cầu vượt đông đúc ở Quảng Châu, Viên Phương nhìn thấy một đứa trẻ ăn xin dơ dáy đang quỳ trên đất, không ngừng dập đầu xin tiền. Theo thói quen, cô lấy 5 tệ đưa cho cậu bé.
Không ngờ, cậu bé ngẩng đầu cảm ơn và bất ngờ mở to mắt, gọi lớn: “Mẹ ơi! Con là Ngưu Ngưu đây mà!”. Viên Phương chết sững. Dù khuôn mặt cậu bé đầy bụi bẩn, nhưng đôi mắt, hàng lông mày kia – giống hệt người chồng cũ của cô.

Ảnh minh hoạ
Điều khiến cô nghẹn ngào hơn nữa là khi cậu bé đưa tay ra, cô nhìn thấy một vết sẹo nhỏ cạnh ngón út, chính là dấu tích để lại sau ca phẫu thuật dị tật bàn tay ngày nhỏ của con cô.
Cô gần như đã ôm lấy con. Nhưng đúng lúc ấy, có người thả một đồng xu vào chiếc hộp thiếc, “keng” một tiếng làm cô bừng tỉnh. Cô biết, đằng sau những đứa trẻ ăn xin thường có người lớn giám sát.
Nếu cô nhận con ngay lúc ấy, rất có thể nhóm đứng sau sẽ lập tức đưa con rời khỏi nơi này để bịt đầu mối. Lúc đó, cô sẽ lại mất con một lần nữa, lần này là vĩnh viễn.
Chưa kể, con cô hiện giờ rất có thể chưa nhận thức đầy đủ, sống trong môi trường kiểm soát lâu ngày, sợ sệt và hoang mang. Nếu cô xông tới, con có thể hoảng loạn, càng gây chú ý làm người xung quanh nghĩ là cô đang bắt cóc. Điều này dễ khiến bọn buôn người cảnh giác và can thiệp hoặc bỏ trốn cùng những đứa trẻ khác.
Cô kìm nén nước mắt, gạt tay con ra, nghiến răng nói: “Cô không quen cháu. Con trai tôi đang ở nhà cơ!”. Rồi quay lưng bước nhanh về phía trung tâm thương mại gần đó.
Bình tĩnh xử lý, con được giải cứu
Viên Phương trốn vào nhà vệ sinh tầng hai của trung tâm thương mại và gọi điện báo công an. Nhiều năm qua, cô đã khai báo mất tích tại nhiều địa phương, nên hồ sơ của cô đã có trong hệ thống của lực lượng chức năng. Cô trình bày rõ tình huống và khẩn thiết xin hỗ trợ.
Cảnh sát ngay lập tức cử lực lượng đến hiện trường vì những vụ liên quan đến trẻ mất tích luôn được ưu tiên. Họ kiểm soát toàn bộ khu vực cầu vượt, đưa nhóm trẻ ăn xin về đồn để điều tra. Sau đó, họ lấy mẫu ADN của cậu bé vừa nhận ra cô và kết quả cho thấy: cậu bé chính là Ngưu Ngưu, đứa con mất tích nhiều năm của Viên Phương.
Khoảnh khắc nhận được xác nhận, Viên Phương vỡ òa trong nước mắt, ôm chặt con không rời.
Cảnh sát cũng hết lời khen ngợi sự bình tĩnh và tỉnh táo của cô. Nếu hôm đó cô hành động bộc phát, kết quả có lẽ sẽ tồi tệ hơn nhiều.
Câu chuyện là hồi chuông cảnh tỉnh
Câu chuyện của Viên Phương khiến tất cả chúng ta, những bậc làm cha mẹ phải rùng mình. Chỉ một khoảnh khắc sơ hở, một cái ngoảnh mặt đi, có thể là cả đời không còn thấy con nữa. Trẻ nhỏ còn non nớt, ngây thơ, rất dễ bị bọn buôn người lợi dụng. Nhất là ở những khu vực phức tạp, mất an ninh.
Dưới đây là những lời khuyên thiết thực cho các bậc phụ huynh:
1. An toàn nơi ở là trên hết
Hãy cố gắng thuê hoặc mua nhà trong khu có bảo vệ, có kiểm soát người ra vào. Đừng vì tiết kiệm tiền mà sống ở nơi phức tạp, dễ bị kẻ xấu lợi dụng.
2. Luôn giám sát con khi ra ngoài
Dù ở công viên, trung tâm thương mại hay bến tàu xe – những nơi đông người đều tiềm ẩn rủi ro. Tuyệt đối không mải điện thoại, không để con rời khỏi tầm mắt quá lâu.
3. Dùng thiết bị hỗ trợ phòng lạc
Đối với trẻ hiếu động, có thể dùng dây chống lạc, vòng định vị GPS hoặc đồng hồ thông minh. Dù không phải giải pháp tuyệt đối, nhưng sẽ hữu ích khi có sự cố.
4. Khi con mất tích, cần tỉnh táo
Nếu chẳng may con mất tích, hãy lập tức báo công an và cung cấp mẫu ADN. Nếu nghi ngờ gặp lại con, không nên manh động – hãy âm thầm quan sát và nhờ công an can thiệp.
Chúng ta không thể trông chờ thế giới lúc nào cũng dịu dàng với con trẻ. Nhưng là cha mẹ, chúng ta nhất định phải dốc hết sức để bảo vệ con. Cầu chúc mọi đứa trẻ bị mất tích đều có thể, giống như Ngưu Ngưu, bình an trở về trong vòng tay của mẹ.