Nhiều người cho rằng ông bà, đặc biệt là những người có trình độ học vấn không cao thường có khoảng cách thế hệ quá lớn với trẻ nhỏ, nên khó có thể dạy dỗ cháu nên người. Tuy nhiên, thực tế không hoàn toàn như vậy. Nếu ông bà biết cách giáo dục và đồng hành đúng đắn, họ hoàn toàn có thể nuôi dạy những đứa trẻ xuất sắc.
Bí quyết bất ngờ phía sau một đứa trẻ ngoan ngoãn, lễ phép
Bé Kiki (Trung Quốc) năm nay 4 tuổi. Em không chỉ lễ phép, nghe lời mà còn có thành tích học tập nổi bật, luôn được thầy cô và phụ huynh khen ngợi. Sự xuất sắc của Kiki khiến phụ huynh của cậu bé hàng xóm Mingming, một đứa trẻ nghịch ngợm, ương bướng phải ngưỡng mộ không thôi.
Ban đầu, mẹ của Mingming cho rằng sự khác biệt nằm ở trình độ học vấn: Mẹ của Kiki vốn có bằng thạc sĩ, nên dĩ nhiên sẽ có cách dạy con tốt hơn. Thế nhưng, khi không còn cách nào để “trị” cậu con trai bướng bỉnh, bà mẹ này quyết định sang hỏi kinh nghiệm từ mẹ của Kiki.
Thật bất ngờ, mẹ Kiki chỉ mỉm cười đáp: “Tôi đâu có làm gì nhiều, thực ra là bà nội cháu mới là người trực tiếp dạy dỗ”. Câu trả lời khiến mẹ Mingming rất đỗi ngạc nhiên vì bà nội của Kiki thậm chí chưa học hết cấp 2. Làm sao bà lại có thể nuôi dạy một đứa trẻ tốt đến thế?

Ảnh minh họa
Vì quá tò mò, mẹ Mingming đã đến gặp bà nội của Kiki để tìm hiểu. Câu trả lời càng khiến bà ngạc nhiên hơn: bí quyết của bà chỉ đơn giản là… kể chuyện cho cháu nghe mỗi ngày!
Với tâm thế “thử cho biết”, mẹ Mingming bắt đầu kể chuyện cho con trai mình vào mỗi tối trong vòng một tháng. Kết quả thật đáng kinh ngạc: Mingming không còn nghịch ngợm như trước, thậm chí còn trở nên ngoan ngoãn, nghe lời hơn hẳn.
Vì sao việc kể chuyện mỗi ngày lại có tác động mạnh mẽ đến trẻ nhỏ?
Giúp trẻ hiểu các bài học đạo đức một cách tự nhiên: Những câu chuyện ngắn thường chứa đựng các bài học sâu sắc. Ví dụ như câu chuyện “Khổng Dung nhường lê” có thể giúp trẻ học được tinh thần nhường nhịn. Khi còn nhỏ, trẻ chưa thể tự nhận thức về đúng – sai, mà chủ yếu tiếp nhận điều người lớn truyền đạt. Vì vậy, việc kể chuyện là cách đơn giản nhưng hiệu quả để truyền đạt các giá trị đạo đức.
Phát triển trí tưởng tượng phong phú: Các truyện cổ tích, truyện khoa học viễn tưởng thường có yếu tố tưởng tượng rất mạnh mẽ. Khi trẻ tiếp xúc với những nội dung này thường xuyên, trí tưởng tượng sẽ được khơi gợi và phát triển. Một đứa trẻ có trí tưởng tượng tốt thường linh hoạt trong tư duy và xử lý vấn đề, điều này mang lại lợi thế lớn trong học tập và cuộc sống sau này.
Cải thiện chất lượng giấc ngủ: Kể chuyện trước khi đi ngủ không chỉ giúp trẻ dễ dàng đi vào giấc ngủ mà còn nâng cao chất lượng giấc ngủ. Ngủ ngon sẽ giúp trẻ khỏe mạnh, tinh thần minh mẫn – một yếu tố quan trọng để học tốt và phát triển toàn diện.
Hình thành nhân cách toàn diện: Trẻ nhỏ thường bắt chước hành vi của nhân vật trong truyện. Những nhân vật chính thông minh, nhân hậu, dũng cảm… đều là hình mẫu lý tưởng giúp trẻ học hỏi. Trẻ nóng nảy, nhút nhát – đều có thể dần cải thiện nếu được tiếp xúc với các hình mẫu tích cực một cách lặp đi lặp lại qua những câu chuyện giàu cảm hứng.
Nâng cao khả năng ngôn ngữ và diễn đạt: Từ vựng của trẻ nhỏ còn hạn chế, vì vậy việc tiếp xúc với nhiều kiểu ngôn ngữ qua các câu chuyện – từ hài hước đến cảm động – sẽ giúp mở rộng vốn từ và cải thiện khả năng biểu đạt. Trẻ có năng lực ngôn ngữ tốt thường học tốt môn Ngữ văn và giao tiếp hiệu quả hơn, dễ dàng xây dựng các mối quan hệ xã hội lành mạnh.
Việc kể chuyện cho trẻ mỗi ngày tưởng chừng đơn giản, nhưng lại là phương pháp giáo dục vô cùng hiệu quả mà bất kỳ phụ huynh hay ông bà nào cũng có thể thực hiện. Chỉ cần dành thời gian, sự kiên nhẫn và lựa chọn nội dung phù hợp, cha mẹ hoàn toàn có thể giúp con phát triển trí tuệ, cảm xúc và nhân cách một cách toàn diện như cách mà bà nội của bé Kiki đã làm.