Tôi không phải người hoàn hảo bởi đã từng vấp ngã, từng nổi loạn, từng cãi lời ba mẹ. Nhưng càng trưởng thành, càng lăn lộn ngoài đời, tôi càng biết ơn cách ba mẹ đã nuôi tôi lớn lên. Đó không phải những bài giảng dài dòng mà bằng chính cách ba mẹ tôi sống.
Tôn trọng sự khác biệt
Tôi chưa bao giờ thấy khó chịu khi ai đó sống khác mình. Người khác có thể không tin vào điều tôi tin, không yêu theo cách tôi yêu, không sống theo chuẩn mực tôi chọn và tôi tôn trọng họ.
Sự bình thản ấy đến từ tuổi thơ, nơi mà bữa cơm của gia đình tôi luôn có nhiều người ghé qua: bác hàng xóm ồn ào, chú đồng nghiệp của bố là người đồng tính… Ba mẹ luôn cho tôi thấy cách họ tôn trọng mọi người xung quanh.
Biết cách đối đầu
Hồi học trung học, có một nhóm bạn hay lôi tôi ra làm trò đùa. Tôi về nhà, chực khóc, khi ấy ba hỏi tôi: “Con thấy con là ai trong mắt chính mình?”. Tôi không hiểu ngay lúc đó nhưng rồi tôi học cách nhìn thẳng vào ai trêu chọc mình: “Tôi không thấy chuyện đó buồn cười”.
Không cần cãi, không bạo lực hay chạy trốn. Sự dũng cảm tôi có hôm nay đến từ việc ba dạy tôi biết đối đầu với cái xấu.
Đón nhận sự từ chối
Tôi từng bị từ chối tình cảm, từng rớt học bổng, từng không được chọn trong đội nhóm mà tôi rất muốn vào. Ngày đó, mẹ không vỗ về tôi bằng những câu nói: “họ không xứng với con” hay “con giỏi mà”.
Mẹ bảo: “Con có thể thất bại nhưng đừng thất vọng về bản thân. Thất bại là thật nhưng giá trị của con thì không mất đi”.
Tôi học được cách không xem sự từ chối là kết thúc. Tôi không để nỗi buồn nuốt chửng mình mà để nó đi qua và bản thân bước tiếp.
Biết ứng xử
Tôi làm phục vụ tại quán cà phê thời sinh viên. Có khách không thèm nhìn tôi khi gọi đồ, có người mắng tôi vì cà phê không đủ nóng, có khách tự dưng nổi đoá vì chuyện không đâu. Tôi không phản ứng dữ đội mà học cách mỉm cười, lùi một bước và tìm giải pháp.
Không phải tôi nhu nhược mà bởi tôi đã từng thấy mẹ mỉm cười với bác bán rau cau có, từng thấy ba tôi lặng lẽ đứng đợi người khác hết giận. Ba mẹ dạy tôi không để người khác quyết định cảm xúc của mình. Tôi hiểu rằng, biết kiềm chế chính là bản lĩnh.
Tôn trọng quy tắc
Tôi không bấm còi xe inh ỏi trên đường, không chen hàng, không bỏ rác sai nơi quy định. Không ai giám sát tôi nhưng tôi tự biết cách cư xử. Từ nhỏ, tôi thấy ba mẹ tôi không vượt đèn đỏ khi tham gia giao thông, không nói dối người già, không lách luật để tiện cho mình.
Sự tử tế mà ba mẹ dạy tôi đôi khi chỉ là làm đúng từ những điều nhỏ, ngay cả khi không ai nhìn.
Giúp người là cách sống
Tôi không thấy việc giúp đỡ ai đó là “ơn huệ”. Thấy một người không may bị ngã xe, tôi chạy lại. Thấy một bác loay hoay tìm đường, tôi chỉ đường. Tôi làm giống như cách mẹ tôi từng dừng xe giữa trưa nắng để mua hộ cụ già những mớ rau héo vì ế.
Bố tôi từng dạy nghề miễn phí cho những bạn trẻ khó khăn. Ba mẹ tôi giúp người như một thói quen, như phản xạ tử tế.
Dám nhận trách nhiệm
Tôi từng sợ vai trò trưởng nhóm bởi lo lắng bị đánh giá, bị chê bai. Nhưng rồi, khi thấy không ai nhận trách nhiệm, tôi bước lên. Không phải vì tôi giỏi mà bởi tôi sẵn sàng học hỏi. Ba tôi từng bảo: “Không ai sinh ra đã biết làm lãnh đạo. Nhưng ai biết chịu trách nhiệm thì có thể trở thành người dẫn đường”.
Sống đúng với mình
Tôi không khoe bản thân, không cần chứng minh, tôi sống theo điều tôi tin. Cũng có người bảo tôi “chậm chân” nhưng tôi không thấy cần sống chỉ để vừa mắt người khác.
Bởi ba mẹ từng dạy tôi: “Hãy là con, đừng là phiên bản của người khác”. Ba mẹ không dạy tôi những điều to tát mà ở chính cách họ nói, làm và sống thật giản dị, nhất quán và chân thành.