Tôi từng là đứa con gái “máu mặt” nhất trường cấp 3, không phải vì tôi học giỏi, càng không phải vì tôi xinh đẹp, mà vì tôi luôn là đứa “không biết sợ ai” – theo lời thầy tổng phụ trách.
Tôi chẳng nhớ rõ mình bắt đầu ngỗ ngược từ khi nào. Có thể là từ hồi mẹ bỏ đi theo người đàn ông khác, để lại tôi sống với ông bố rượu chè, hoặc từ cái ngày tôi bị đám bạn chê nghèo, quần áo hôi hám. Tôi không biết, chỉ nhớ, tôi dần trở thành kiểu người mà mình từng sợ: dữ dằn, bất cần, thích nắm quyền kiểm soát người khác bằng ánh mắt và giọng điệu, thích được bạn bè gọi là “Chị đại”.
Lớp tôi có một đứa con gái tên Trâm, học giỏi, da trắng, tóc dài, lại hay được thầy cô khen. Đám con trai cứ bu quanh như ruồi bu mật. Tôi ghét nó, không cần lý do, chỉ vì nó là kiểu người mà tôi không bao giờ với tới.
Có lần, tôi làm bộ vô tình hắt cả hộp sữa vào áo đồng phục mùa đông của nó. Lúc khác, tôi dán keo dính đầy ghế ngồi của nó khiến nó phải vệ sinh lại ghế cả buổi mới dám ngồi . Trâm không khóc, cũng chẳng bực bội, chỉ lặng im thu dọn, lần nào cũng vậy. Tôi ghét cả cái vẻ cam chịu của nó. Tôi thấy bực tức, như thể nó đang thầm nói với tôi: “Tôi cao hơn cô một bậc”. Thế nên tôi định chặn cổng trường, đánh cho một trận để nó không dám đi học nữa, nhưng hôm đó thầy tổng phụ trách đứng ngoài cổng trường lâu quá khiến tôi không có cơ hội “ra tay”.
Tôi sống như vậy hết cấp 3. Lên đại học, tôi ít nói hơn, nhưng cái máu nóng, hung hăng thì vẫn còn. Ra trường đi làm, tôi vào một công ty truyền thông nhỏ. Tôi nghĩ xã hội này hỗn loạn, tôi từng sống bất cần rồi, chẳng có gì làm khó được tôi nhưng tôi đã sai.
Ở đây, tôi không phải người duy nhất biết gằn giọng hay trừng mắt. Có người hơn tôi ở mọi thứ: đẹp hơn, giỏi hơn, quan hệ rộng hơn. Họ chỉ cần một cái nhếch môi, là tôi đã bị điều sang bộ phận không ai muốn làm. Tôi biết mình bị chèn ép. Tôi biết rõ sự thiên vị, những lời nói sau lưng, những ánh mắt coi thường. Tôi giận, giận đến mức có hôm gần như đập tan cái laptop. Nhưng tôi có thể làm được gì? Người ta sẵn sàng đuổi việc tôi, không việc làm, không tiền bạc thì tôi biết bám víu vào điều gì để sống?

Tối đó, tôi tình cờ xem phim “Sex Education”. Có một đoạn Ruby – một cô gái cũng từng kiêu ngạo, từng là “nữ hoàng”, “ong chúa” trường học thú nhận với Otis rằng cô cảm thấy trống rỗng và sợ không ai thật lòng yêu mình. Ruby thời thượng, lúc nào cũng phủ lên mình những bộ cánh thời trang, luôn tuyên bố với thế giới vẻ kiêu sa của mình, nhưng hóa ra, trái tim cô ấy cũng ấm áp và cũng biết cô đơn.
Tôi không được như Ruby, nhưng tôi cũng giống cô ấy, dùng lời nói đầy gai nhọn, dùng sự kiêu căng hống hách của mình để che lấp sự thật trong lòng, về những tổn thương tận sâu trong tâm hồn.
Tôi nhớ tới Trâm, nhớ tới những ánh mắt của các bạn học từng lặng lẽ sợ tôi. Tôi từng nghĩ cả thế giới nợ tôi, hóa ra, tôi mới là người mang nợ – nợ những lời xin lỗi chưa bao giờ được nói ra.
Sáng hôm sau, tôi mặc chiếc áo sơ mi trắng lâu rồi không mặc, bước vào văn phòng và nhìn thẳng vào người sếp – từng đẩy tôi xuống vị trí thấp nhất. Tôi cúi đầu, lần đầu tiên biết nói nhẹ: “Có việc gì thì chị cứ giao cho em nhé, em sẽ cố gắng hoàn thành tốt đúng deadline”.
Tôi không biết hành động đó có thay đổi được gì không nhưng tôi biết, nếu cứ tiếp tục nổi giận và chống đối, tôi sẽ chẳng khác gì đứa con gái hung hăng năm 17 tuổi, đứng trong hành lang và trút mọi hận thù lên những người không có lỗi.
Tôi đã đi một vòng tròn, từ kẻ bắt nạt trở thành kẻ bị bắt nạt. Và cũng chính từ vòng lặp ấy, tôi nhận ra muốn thoát ra, tôi phải là người bước chân ra trước.