Có người từng hỏi Trang Tử: “Có một cây cổ thụ lớn mọc ngay bên đường, nhưng gỗ của nó thì xấu. Thân cây lồi lõm, cành lá cong queo, chẳng ai có thể xẻ ra để làm ván, làm cột. Nó to là vậy, nhưng vẫn đứng đó mà không ai buồn để mắt tới, chẳng một người thợ mộc nào ngó ngàng”.
Trang Tử nghe xong, chỉ nhẹ nhàng đáp lại: “Ông từng thấy con mèo rừng chưa? Nó ẩn mình rình mồi rất giỏi, thân pháp nhanh nhẹn, nhảy qua nhảy lại chẳng kể chướng ngại. Nhưng vì quá linh hoạt, cuối cùng lại dễ mắc vào bẫy lưới của con người. Còn như con trâu thân hình to lớn, sức mạnh dồi dào, vậy mà cũng không bắt nổi một con chuột. Đó không phải là chuyện kỳ lạ hay sao?”.
Ngưng một lát, Trang Tử nói tiếp: “Người ta nhìn một cây lớn rồi buông lời chê nó vô dụng, chỉ vì không tận dụng được theo cách thông thường. Nhưng sao không thử nghĩ, nếu đem cây ấy trồng nơi quang đãng, chẳng phải sẽ có người nhàn rỗi ghé qua, dạo chơi, rồi thảnh thơi nằm nghỉ dưới bóng mát rợp trời của nó đó sao? Thế gian này vốn dĩ không có thứ gì hoàn toàn vô dụng chỉ có vật hữu dụng đang ở sai vị trí. Cây gỗ tưởng là vô dụng, nhưng nếu đặt đúng chỗ, vẫn có thể phát huy giá trị của mình”.
Suy nghĩ đó không chỉ dừng ở một hình ảnh ẩn dụ. Nhắc lại chuyện xưa, thời nhà Hán có Ban Siêu khi còn trẻ chỉ là một thư lại nhỏ, ngày ngày sao chép văn thư nơi nha phủ. Cuộc đời cứ trôi qua đơn điệu khiến ông nhiều lần than thở: “Nếu cứ sao chép như thế này đến cuối đời, ta cũng chỉ mãi là một kẻ vô danh mà thôi.” Nghĩ vậy, ông quyết định rẽ sang một hướng hoàn toàn khác: từ bỏ công việc văn thư để theo đuổi nghiệp binh đao.
Bằng ý chí và tài năng, Ban Siêu lập nhiều chiến công: chinh phạt Hung Nô, sau đó lại được cử đi sứ Tây Vực. Suốt hơn ba mươi năm, ông rong ruổi nơi biên thùy, dẹp yên loạn lạc, khiến hơn năm mươi nước lớn nhỏ phải quy phục. Ban Siêu, một thư lại vô danh năm nào, nhờ được đặt vào đúng vị trí, đã trở thành danh tướng lừng lẫy, anh hùng vang danh thiên hạ.
Chuyện ấy cũng khiến người ta nhớ đến một lần khác, Trang Tử cùng đệ tử đi lên núi. Họ bắt gặp một cây đại thụ cành lá sum suê, mọc vững chãi bên bờ suối. Thân cây lớn đến mức có thể đẽo ra vài chiếc thuyền. Nhiều người qua đường không khỏi trầm trồ thán phục, nhưng đám thợ mộc đi qua thì lại làm như không thấy, chẳng ai dừng lại đo đạc, xem xét.
Trang Tử bèn hỏi một người thợ mộc: “Cây này lớn và đẹp như vậy, sao các ông không chặt xuống để dùng?”
Người thợ mộc chỉ cười mà đáp: “Cái cây này nhìn vậy chứ vô dụng lắm. Gỗ xốp, mềm, đẽo ra làm thuyền thì thuyền chìm, làm đồ gia dụng thì mau hỏng, dựng nhà thì bị mối mọt phá. Chẳng ai dùng nó làm gì cả, nên nó mới sống đến tận bây giờ”.
Nghe vậy, Trang Tử quay sang đệ tử, nói: “Chính bởi vì nó vô dụng, cho nên mới có thể sống lâu đến thế. Không bị ai nhòm ngó, không bị ai đụng đến, chẳng phải là đại dụng đấy sao?”
Lời của Trang Tử cũng đồng điệu với một nhận xét xưa: “Tài mệnh thường hại nhau, kẻ tầm thường lại nhiều hậu phúc”. Nghĩa là, những người có tài dễ bị ganh ghét, đố kỵ, hay vướng họa; còn những kẻ bình thường, chẳng ai để tâm đến, lại có thể lặng lẽ mà bền gan vững chí, tích lũy dần dần rồi chạm đến thành công.
Như câu chuyện của Chu Mãi Thần thời Hán là một ví dụ điển hình. Xuất thân từ gia cảnh nghèo khó, ông cùng vợ dựng một túp lều nhỏ dưới chân núi, sống bằng nghề kiếm củi. Ngày ngày lên rừng, xuống chợ, ông vẫn luôn mang theo sách để đọc, để học hỏi giữa bao ánh mắt coi thường.
Nhiều người cho rằng ông chỉ là kẻ vô dụng, đến cả bọn trẻ con trong làng cũng chế giễu. Vợ ông thì ngày càng bất mãn, nhiều lần buông lời chê bai: “Ông chỉ là một thằng tiều phu nghèo xác xơ, sách vở đọc làm gì? Trẻ con cũng dám bắt nạt, đúng là vô tích sự!” Rồi một ngày, bà bỏ đi.
Nhưng Chu Mãi Thần không vì thế mà bỏ cuộc. Ông vẫn kiên trì học tập. Nhiều năm sau, tri thức ông tích lũy trở thành vốn quý. Tên tuổi ông vang xa, được triều đình triệu kiến, phong làm thái thú một chức quan lớn trong vùng.
Kỳ thực, mọi thứ trên đời đều như vậy. Một thứ có vẻ vô dụng chẳng qua là vì nó chưa được đặt đúng nơi, đúng lúc. Có những giá trị chỉ hiện rõ khi được nhìn bằng con mắt thấu đáo và vị trí phù hợp. Giống như cây gỗ kia không thể làm cột nhà, nhưng lại có thể che mưa nắng, tỏa bóng mát cho người.
Vô dụng, đôi khi lại là cách hữu dụng nhất để tồn tại, để sống lâu và sống đúng với bản thể của mình. Và có lẽ, điều quan trọng nhất không phải là bạn giỏi đến đâu, mà là bạn có được đặt vào đúng vị trí để phát huy hết tiềm năng của mình hay không.