Người xưa nói “Muốn biết một người có phúc hay không, chỉ cần nhìn “miệng” là biết”. Nghe tưởng đơn giản, nhưng càng ngẫm càng thấy thâm sâu.
“Miệng” ở đây không đơn thuần là hình dáng vật lý. Điều người xưa muốn nhấn mạnh là lời ăn tiếng nói, cái cách một người dùng ngôn từ để thể hiện bản thân, để giao tiếp, để gieo ảnh hưởng lên thế giới xung quanh. Có người miệng nói lời cay nghiệt, châm biếm, gièm pha, khích bác tưởng là “miệng sắc” mà hóa ra đang tự cắt đi phúc phần của chính mình. Ngược lại, có người ăn nói mềm mỏng, từ tốn, luôn biết động viên, an ủi, gieo điều thiện lành đó chính là người đang âm thầm tích đức, nuôi dưỡng phúc khí dài lâu.
Không phải ngẫu nhiên mà trong Đạo Đức Kinh, Lão Tử Lão Tử từng viết: “Tai họa vì lời mà ra, họa từ miệng mà đến”. Lời nói không phải thứ vô hình. Một câu nói có thể nâng người khác dậy từ vực thẳm, cũng có thể đẩy họ đến bờ tuyệt vọng. Lời nói có thể cứu một mối quan hệ, cũng có thể phá hủy nó không thương tiếc. Và một người thường xuyên gieo rắc lời độc hại, dù ngoài mặt có thành công, có quyền lực đến đâu, rồi cũng sẽ bị cô lập, tổn phúc, mất đi những điều tốt đẹp nhất trong đời.
Người có phúc thật sự là người biết dùng lời nói để mở lòng người, để kết nối thay vì chia rẽ, để lắng nghe thay vì chỉ trích. Họ không tùy tiện nói lời thị phi, càng không đem chuyện của người khác ra làm trò tiêu khiển. Họ hiểu rằng, miệng là cội nguồn của thiện nghiệp hay ác nghiệp và mỗi câu nói thốt ra đều mang theo trách nhiệm, lẫn hệ quả.
Trong thời đại ngày nay, khi mạng xã hội cho phép con người dễ dàng “nói” mà không cần đối mặt, thì lời dạy của cổ nhân lại càng đáng suy ngẫm hơn bao giờ hết. Nhiều người dễ dàng buông những bình luận đầy ác ý, công kích, phán xét người khác mà không hề nghĩ đến hậu quả. Họ quên rằng, gieo một lời ác, sớm muộn gì cũng gặt một đời bất an. Ngược lại, nếu giữ được một cái miệng biết nói điều đúng đắn, điều tử tế thì dẫu cuộc sống có khó khăn đến đâu, người ấy vẫn luôn được người quý mến, trời thương phù hộ.
Vì vậy, để biết một người có phúc hay không, hãy quan sát cách họ nói chuyện. Người có miệng từ hòa, biết giữ gìn lời nói, không vội vàng phán xét, luôn nhẫn nhịn và khích lệ người khác đó là người đã gieo mầm thiện lành từ chính tâm mình. Phúc đức đến từ chính điều ấy.
Và nếu muốn biết mình có đang sống một cuộc đời tích phúc hay không, hãy tự hỏi: mỗi ngày mình đã dùng lời nói để mang lại niềm vui, sự bình an cho ai chưa? Miệng là cửa ngõ của tâm. Một cái miệng biết nói điều thiện, thường là dấu hiệu của một nội tâm nhân hậu. Mà nội tâm nhân hậu, sớm muộn gì cũng đơm hoa kết trái thành một cuộc đời an yên, viên mãn.